Đạm Cà Mau lên kế hoạch gì cho năm 2025?
Trong sự kiện tiếp xúc nhà đầu tư tổ chức vào chiều ngày 23/12, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau hay Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) đã có một số chia sẻ về tình hình kinh doanh năm 2024, đồng thời hé lộ kế hoạch 2025.
Công bố từ Đạm Cà Mau, năm 2024 ước doanh thu đạt gần 13 ngàn tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước, vượt 17% kế hoạch năm. Lãi sau thuế ước đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng, giảm 8.3% so với năm trước, vượt 28% kế hoạch.
Kết quả ước 2024 của DCMNguồn: DCM
Cho năm 2025, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu hơn 13.2 ngàn tỷ đồng; lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 853 tỷ đồng và 764 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước mục tiêu 295 tỷ đồng, và giá trị đầu tư là 771 tỷ đồng. So với kết quả ước 2024, doanh thu tăng nhẹ 2%, lợi nhuận sau thuế giảm 25%.
Về chỉ tiêu sản lượng, Đạm Cà Mau đưa chỉ tiêu sản xuất 910 ngàn tấn Urê quy đổi, trong đó 120 ngàn tấn đạm chức năng; sản xuất 340 ngàn tấn NPK, với 220 ngàn tấn do nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất, còn lại là do nhà máy Hàn-Việt (KVF) thực hiện.
Đối với sản lượng tiêu thụ, mục tiêu là 759 ngàn tấn Urê (120 ngàn tấn đạm chức năng); tiêu thụ hết NPK sản xuất; và 280 ngàn tấn phân bón tự doanh.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2025 của Đạm Cà MauẢnh: Châu An
Doanh nghiệp cho biết, tình hình chính trị thế giới năm 2025 được dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhưng nền kinh tế nhiều khả năng sẽ phục hồi. Trong nước cũng có những tín hiệu tích cực từ việc tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy Nhà nước, nhiều dự án, đường cao tốc… hay Chính phủ ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn NVIDIA về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, luật thuế VAT (sửa đổi) áp dụng thuế suất 5% với mặt hàng phân bón được kỳ vọng giúp kích cầu, do nông dân được hưởng lợi từ giá phân bón. Doanh nghiệp trong nước cũng sẽ cạnh tranh sòng phẳng với nhập khẩu, qua đó nông nghiệp nội địa được thúc đẩy. Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được dự báo hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng xanh.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp cho biết rủi ro 2025 sẽ đến từ giá khí có khả năng tiếp tục neo cao, làm đội chi phí hoạt động. Đồng thời, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tình trạng hạn hán, ngập lục, dịch bệnh… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nói về luật thuế VAT (sửa đổi), ông Lê Ngọc Minh Trí – Phó Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau cho biết Luật dự kiến được áp dụng từ 01/07/2025. “Chúng tôi rất mong chờ luật này, nhưng cụ thể chưa biết ra sao. Thực chất, kế hoạch 2025 xây dựng cũng chưa tính đến luật này, vì luật ban hành còn nghị định, thông tư, hướng dẫn mới vận hành và áp dụng. Khi có chính sách, chúng tôi sẽ được hoàn thuế” – trích lời ông Trí.
Theo ông Trí, nếu áp dụng thuế suất 5%, Đạm Cà Mau có thể khấu trừ được khoảng 3.8% trên tổng chi phí đầu vào. “Chúng ta phải chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người nông dân và Doanh nghiệp. Giá phân bón sẽ theo xu hướng thị trường chứ chúng tôi không chi phối. Nhưng khi áp thuế, với việc chi phí tiết giảm khoảng 3.8%, giá bán có thể giảm để đảm bảo sự hài hòa lợi ích hai bên. Việc áp dụng thuế VAT sẽ theo định hướng chung của Chính phủ là giảm giá bán” – ông cho hay.
Sản lượng Ure 2024 vượt kế hoạch
Tại sự kiện, Đạm Cà Mau công bố kết quả ước sản lượng đạt được năm qua. Theo đó, sản lượng tiêu thụ Urê ước đạt 810 ngàn tấn, giảm 6% so với cùng kỳ, nhưng vượt kế hoạch cả năm (748 ngàn tấn). Đạm chức năng ước đạt 92 ngàn tấn, cao hơn năm trước 26%, thực hiện gần 84% kế hoạch. NPK ước 156 ngàn tấn, cao hơn năm trước 12%, đạt 87% kế hoạch. Phân bón tự doanh ước 253 ngàn tấn, cao hơn cùng kỳ 38%, vượt kế hoạch năm 2%.
Về bảo dưỡng tổng thế, thực hiện 3,202 hạng mục, rút ngắn 2.5 ngày so với kế hoạch. Chi phí quyết toán cũng thấp hơn dự toán khoảng 205 tỷ đồng, tức 18% so với dự toán.
Ảnh: Châu An
Riêng với nhà máy KVF được tiếp nhận từ tháng 4/2024, Doanh nghiệp cho biết nhà máy có công suất 360,000 tấn/năm, tính đến hết năm 2024 đã sản xuất 73 ngàn tấn. Nếu tính chung quý 1, tổng sản lượng rơi vào khoảng 92 ngàn tấn. Trong đó, lợi nhuận thu về trong 9 tháng cuối năm là 4.9 tỷ đồng. Tuy nhiên do khoản lỗ 31 tỷ đồng tại quý 1, kết quả cả năm của nhà máy ước lỗ khoảng 26 tỷ đồng.
Thị trường NPK đang cung lớn hơn cầu?
Trước câu hỏi về nhu cầu thực sự của NPK, đại diện của Đạm Cà Mau cho biết đây là môi trường cạnh tranh khá khốc liệt, nhưng vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Với việc M&A nhà máy Phân bón Hàn-Việt, công suất sản xuất NPK của Đạm Cà Mau lên tới 660,000 tấn/năm. Tuy nhiên, đại diện Doanh nghiệp cho biết đây chỉ là công suất thiết kế. NPK có nhiều công thức, và việc chuyển đổi công suất rất tốn thời gian. Thực tế, các nhà máy chỉ sản xuất được 75% công suất thực tế.
Năm 2021, Đạm Cà Mau mượn nhà máy để sản xuất NPK, đưa ra thị trường 40,000 tấn NPK. Năm 2022, Đạm Cà Mau sản xuất chính thức, đưa ra thị trường 80 ngàn tấn. Năm 2023 tăng lên 160 ngàn tấn, và kế hoạch 2024 là 180 ngàn tấn.
Vị đại diện cho biết, NPK của Đạm Cà Mau là NPK 1 hạt. Nhu cầu cả nước hiện tại là 3.3 triệu tấn NPK, trong đó 1 hạt chiếm 35%, còn lại là phối trộn 3 màu (các công ty tự trộn). Trước kia khi chưa có công nghệ sản xuất NPK 1 hạt, thị trường chỉ dùng loại 3 màu. Hiện tại, NPK 1 hạt chiếm 35%, cho thấy dư địa phát triển lớn của mặt hàng này.
“NPK 1 hạt có lợi thế cạnh tranh về chất lượng, vì với loại phối trộn, các đơn vị tư nhân có thể lách luật, giảm bớt thành phần. NPK 1 hạt là phân thông minh, hàm lượng trong 1 hạt rất đều, để giúp cây trồng đủ dinh dưỡng. Không giống như phân trộn 3 màu, phân bổ không đồng đều, dẫn đến chất lượng cây trồng cũng vậy. Do vậy, NPK 1 hạt có dư địa phát triển rất lớn, để đầu tư thêm nhà máy ở Bình Định”, đại diện Công ty cho biết.
Châu An
FILI